Phát triển du lịch Quy Nhơn từ sản phẩm du lịch giàu bản sắc

Quy Nhơn cần bổ sung sản phẩm du lịch có bản sắc, khai thác thế mạnh cảnh quan thiên nhiên, hướng vào nhóm du khách có khả năng chi trả cao.
Theo kế hoạch của UBND tỉnh Bình Định, du lịch sẽ trở thành ngành kinh tế mũi nhọn đóng góp lớn vào tổng sản phẩm trên địa bàn và nguồn thu ngân sách, định vị một số sản phẩm đặc thù, tạo lập thương hiệu địa phương.
Tuy nhiên, khi nhắc đến Quy Nhơn, du lịch biển vẫn chiếm thế áp đảo trong hoạt động khai thác du lịch của các đơn vị lữ hành. Tuy nhiên nếu chỉ dừng lại ở chỗ chỉ khai thác những gì có sẵn, du lịch Quy Nhơn sẽ khó thu hút khách trở lại khi yếu tố mới, hoang sơ không còn hấp dẫn.

Tạo thương hiệu du lịch từ sản phẩm đặc thù

Các chuyên gia khẳng định, việc xây dựng thương hiệu du lịch Quy Nhơn là yếu tố quan trọng để phát triển du lịch bền vững. Nhằm từng bước hình thành thương hiệu du lịch, Quy Nhơn cần định hình và phát triển sản phẩm du lịch đặc trưng dựa trên các yếu tố tạo nên bản sắc du lịch cho thành phố biển.
Với du lịch Quy Nhơn, thành phố có những điểm khác biệt trong lịch sử, văn hóa mà không nơi nào có được. Ngay giữa lòng phố biển có hệ thống các di tích lịch sử – văn hóa gắn liền với quá trình hình thành và phát triển của Quy Nhơn như di tích Tháp Đôi, Đình Cẩm Thượng, Ghềnh Ráng – đồi Thi Nhân. Các giá trị văn hóa phi vật thể được bảo tồn và phục dựng như hội đánh bài chòi, thi đấu võ cổ truyền…
Với thế mạnh đặc thù và tiềm năng của địa phương, Quy Nhơn sở hữu lợi thế để phát triển du lịch bền vững dựa trên những sản phẩm du lịch giàu bản sắc. Đó là việc gắn các giá trị lịch sử, văn hóa với điều kiện tự nhiên, kết hợp du lịch biển, du lịch lịch sử – văn hóa khéo léo trong các tour, tuyến, giúp khách có thêm trải nghiệm khi tới Quy Nhơn.

Xây nền tảng từ hệ thống lưu trú chất lượng cao

Mặt khác để thu hút và quan trọng hơn là giữ chân du khách, đặc biệt là những du khách có gu thưởng thức tinh tế và đẳng cấp sống khác biệt, nhiều chuyên gia khuyến nghị Quy Nhơn phát triển đồng bộ và hài hòa giữa tăng cường sản phẩm du lịch đặc thù và làm giàu hệ thống cơ sở lưu trú vốn chỉ mới ở giai đoạn đầu phát triển.
Năm 2019 khách du lịch đến Bình Định đạt 4,8 triệu lượt, tăng 18% so với năm 2018. Năm 2020 nếu không có tác động của Covid-19, địa phương hoàn toàn có thể đạt mục tiêu 5,5 triệu lượt khách. Trong khi đó hiện nay trên toàn tỉnh chỉ có một khách sạn 5 sao, 7 khách sạn 4 sao, 6 khách sạn 3 sao. Còn lại là 30 khách sạn 2 sao, 240 khách sạn một sao cùng các cơ sở lưu trú đạt chuẩn. Cơ cấu cơ sở lưu trú này được cho là chưa đủ sức hấp dẫn tạo lập điểm đến nghỉ dưỡng cao cấp đủ để thu hút và giữ chân du khách quốc tế.
Nhận thấy sự cấp thiết trong việc củng cố yếu tố nền tảng cho du lịch, UBND tỉnh Bình Định đã “mở cửa” loạt chính sách thu hút đầu tư, cải tiến cơ sở hạ tầng, gia tăng sức hấp dẫn đối với các chủ đầu tư bất động sản du lịch nghỉ dưỡng.
Hiện địa phương sở hữu hệ thống hạ tầng hoàn thiện cả đường bộ, đường thủy và hàng không, với sân bay quốc tế Phù Cát đang được đề xuất trở thành cảng hàng không quốc tế. Về đường bộ, địa phương cũng đang đệ trình dự án mở rộng quốc lộ 19B và quốc lộ 19C, mở rộng Quốc lộ 1, làm tuyến đường cao tốc Bắc – Nam giai đoạn 2021-2025… tạo thuận lợi cho kết nối giao thương và thúc đẩy du lịch.

Trả lời