Với việc thực hiện tốt cải cách hành chính và hỗ trợ các nhà đầu tư, năm 2021, Bình Định đã thu hút được 93 dự án với tổng vốn đầu tư hơn 104.000 tỷ đồng.
Rút ngắn thủ tục đầu tư
Ngày 2/1, ông Nguyễn Bay – Giám đốc Trung tâm Xúc tiến Đầu tư tỉnh Bình Định cho biết, trong năm 2021, Bình Định tập trung cải cách hành chính nhằm đẩy nhanh tiến trình cải cách, hoàn thành các mục tiêu tăng trưởng kinh tế – xã hội. Đồng thời, địa phương từng bước đáp ứng nhu cầu phát triển và cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư, từng bước tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong hoạt động đầu tư, sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp.
Cụ thể, Bình Định đã chủ động cắt giảm thời gian giải quyết thủ tục đầu tư từ 32 ngày xuống còn 25 ngày và xem đây là một trong những hỗ trợ thiết thực đối với các nhà đầu tư đến với Bình Định. Việc cắt giảm này đã được Bộ Kế hoạch và Đầu tư có văn bản ủng hộ và đánh giá rất cao.
“Đáng chú ý, trong tháng 8/2021, UBND tỉnh đã tổ chức Hội nghị bàn các giải pháp tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy sản xuất kinh doanh cho doanh nghiệp trước ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 đang diễn biễn phức tạp dưới sự chủ trì của Bí thư Tỉnh ủy Hồ Quốc Dũng và Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Phi Long, tham dự có lãnh đạo các sở, ban, ngành, đơn vị, hiệp hội và một số doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh cùng tham dự Hội nghị này.
Ngoài ra, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định cũng đã thành lập Tổ công tác xúc tiến và hỗ trợ đầu tư với nhiệm vụ trọng tâm vừa xúc tiến, vừa hỗ trợ các nhà đầu tư, doanh nghiệp khi đầu tư tại tỉnh, nhanh chóng giải quyết các vướng mắc phát sinh trong quá trình đầu tư. Tổ Công tác đã đề xuất sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện một số quy định, cơ chế, chính sách để tạo môi trường đầu tư thông thoáng hơn, hấp dẫn hơn; từng bước tạo đột phá trong thu hút đầu tư vào tỉnh và huy động các nguồn lực đầu tư nhằm hoàn thiện hệ thống hạ tầng, nhất là hạ tầng tại Khu Kinh tế Nhơn Hội, Khu công nghiệp Becamex VSIP; hạ tầng giao thông, hạ tầng du lịch…” – ông Bay cho biết.
Hướng đến các dự án động lực
Thông qua việc cải cách hành chính và hỗ trợ doanh nghiệp, năm 2021, đối với thu hút đầu tư trong nước, Bình Định thu hút được 93 dự án đầu tư với tổng vốn thu hút trên 104.340,19 tỷ đồng (giảm 40% về số dự án, tăng 102,22% về tổng vốn thu hút đầu tư so với năm 2020).
Trong đó, 66 dự án ngoài Khu kinh tế (KKT), Khu công nghiệp (KCN) với tổng vốn đầu tư 95.461,22 tỷ đồng (22 dự án trong Cụm Công nghiệp, tổng vốn đầu tư 266,74 tỷ đồng); có 27 dự án trong KKT, KCN với tổng vốn đầu tư 8.878,97 tỷ đồng và thực hiện tăng vốn cho 11 dự án với tổng vốn tăng thêm 27.121,9 tỷ đồng.
Riêng lãnh vực bất động sản, xây dựng, hạ tầng có 30 dự án với tổng vốn đầu tư 41.252,71 tỷ đồng; Công nghiệp: 52 dự án, 60.032,26 tỷ đồng; Thương mại, dịch vụ, du lịch: 10 dự án, 2.902,62 tỷ đồng; Nông nghiệp: 01 dự án, 152,6 tỷ đồng.
Ngoài ra, đối với thu hút đầu tư nước ngoài Bình Định thu hút 4 dự án FDI với tổng vốn đăng ký 80,34 triệu USD (bằng số dự án và tăng 521,83% về vốn so với năm 2020). Đồng thời, Bình Định thực hiện 7 lượt điều chỉnh tăng vốn với tổng vốn điều chỉnh tăng 32,23 triệu USD và 8 lượt nhà đầu tư nước ngoài đăng ký góp vốn, mua cổ phần, phần vốn góp với tổng vốn 17,8 triệu USD. Thông báo chấm dứt 01 dự án là dự án Nhà máy may mặc Gold của Công ty CP Longmate Holdings.
Lũy kế cả tỉnh hiện có 86 dự án FDI với tổng vốn đăng ký 1,088 tỷ USD; trong đó có 38 dự án trong KKT và KCN với tổng vốn đăng ký 843,35 triệu USD và 48 dự án ngoài KKT và KCN với tổng vốn đăng ký 245,56 triệu USD.
“Cũng trong năm nay, có khoảng 1.000 doanh nghiệp thành lập mới với tổng vốn đăng ký khoảng 12.500 tỷ đồng. Đến nay cả tỉnh có khoảng 8.200 doanh nghiệp đang hoạt động” – ông Bay cho biết.
Cũng theo ông Bay, trong năm 2022, Bình Định tập trung mời gọi nhà đầu tư trong và ngoài nước có tiềm lực, thương hiệu mạnh để đầu tư các dự án then chốt. Đồng thời, tập trung cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh; quan tâm đầu tư kết cấu hạ tầng đồng bộ, tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính, thực hiện dịch vụ công trực tuyến.
Ngoài ra, Bình Định dự kiến sẽ tổ chức xúc tiến đầu tư ở các thị trường trọng điểm trong và ngoài nước như Bình Dương, Thành phố Hồ Chí Minh và Hà Nội, các quốc gia như Đức, Nhật Bản, Hàn Quốc, Australia, Hoa Kỳ…; đặc biệt chú trọng thu hút những doanh nghiệp lớn trong nước để làm đòn bẫy thu hút các tập đoàn kinh tế nước ngoài.
“Bên cạnh công tác cải cách hành chính mang tính giấy tờ – thủ tục, Sở Kế hoạch và Đầu tư cũng sẽ quyết tâm hỗ trợ cụ thể cho từng chủ đầu tư có các dự án lớn. Trước mắt tập trung vào hỗ trợ một dự án trọng điểm có vốn đầu tư lớn như: Dự án điện gió ngoài khơi của Tập đoàn PNE (Đức); dự án Nhà máy nhũ mỏng ép nhiệt công nghệ cao của Tập đoàn Kurz (Đức), dự án Khu công nghiệp, đô thị và dịch vụ Becamex VSIP Bình Định của Becamex IDC, dự án Nông nghiệp công nghệ cao của Tập đoàn Trường Hải, Khu du lịch Hải Giang, Khu du lịch Vĩnh Hội… và tổ chức đấu giá, đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư đối với các dự án lớn để tạo nguồn thu ngân sách và làm tiền đề cho thu hút các dự án trên địa bàn” – ông Bay cho hay.