Hải Giang – Thiên đường biển của Quy Nhơn

Nằm ở phía Đông thành phố Quy Nhơn, hướng mặt về phía nam, Hải Giang là một bán đảo còn nguyên sơ, hầu như chưa được khai phá. Nếu như Eo Gió, Kỳ Co… là những cái tên đã khắc sâu vào tâm trí du khách mỗi lần tới Quy Nhơn, Bình Định, Hải Giang đang được ví như một hòn ngọc ẩn, giúp hiện thức hoá những khát vọng cất cánh trong bối cảnh mới của du lịch Quy Nhơn.
Sau 40 phút di chuyển từ sân bay Phù Cát, giới xê dịch có thể đặt chân tới Hải Giang, địa danh đang được các chuyên gia du lịch thường nhắc tới gần đây. Đứng ở nóc cao nhất của hai dãy núi ôm trọn cả vùng biển xanh biếc một màu, du khách dễ hiểu tại sao nơi này được kỳ vọng là “trái tim” cho cuộc vươn mình của du lịch thành phố biển.
Bán đảo thuộc địa giới xã Nhơn Hải, thành phố Quy Nhơn sở hữu địa thế hiếm gặp với núi, thung lũng liền sát biển tạo thành một quần thể đa dạng chỉ trong chưa đầy 10 km vuông.
Ôm trọn bãi biển cong lưỡi liềm là hai dãy núi theo thế hội tụ. Hai dãy núi nối biển, ở giữa thoai thoải hình thành một thung lũng yên bình. Thung lũng được ôm ấp, che chắn 3 phía, trước mặt là biển, với bờ vịnh cong cong hình lưỡi liềm và bãi cát vàng trải dài.
Theo ông Nguyễn Ngọc Nam – Phó chủ tịch UBND xã Nhơn Hải, cái làm nên địa thế có một không hai của bán đảo còn ở phương hướng. Nếu các bờ, vịnh ở Bình Định chủ yếu quay về hướng đông, thì Hải Giang hướng mình về nam. Nhờ thế, nơi đây rất ít ảnh hưởng bởi bão lũ, sóng êm, nước trong quanh năm và du khách có thể tắm biển gần như trọn vẹn 12 tháng.
Sau khi leo núi và tắm biển, lặn ngắm cá trong làn nước trong xanh, du khách không thể bỏ qua những món hải sản tươi ngon ngay trên đảo, do người dân làng chài gần đó đánh bắt và chế biến ngay tại chỗ.
Những năm trước, Hải Giang giữ nguyên vẻ hoang sơ hầu như ít bị khai phá ngoài ngôi làng nhỏ nằm rìa phía đông. Nửa năm trở lại đây, du khách đã có thể tiếp cận dễ dàng hơn và phát hiện những góc trải nghiệm thú vị ở địa điểm chỉ cách bờ biển thành phố Quy Nhơn vài ba km.
Cụ thể, từ bến du thuyền Hải Giang, một hạng mục đã hoàn thành của “thành phố bán đảo” đang được cấp tập xây dựng, du khách có thể lên thuyền cano, dạo một vòng ven bờ ngay bên dưới những dãy núi. Người lái tàu là các ngư dân địa phương, được tuyển dụng để trở thành những nhân sự đầu tiên của “thành phố bán đảo”.
Từ cano đưa mắt nhìn sang phía Tây, du khách có thể thu trọn trong tầm mắt toàn bộ thành phố Quy Nhơn nhìn từ biển vào, là khung cảnh ít ai được nhìn ngắm nếu chỉ di chuyển bên trong thành phố.
Ngước lên ngắm bán đảo và những rặng núi nhấp nhô, du khách có thể chiêm ngưỡng tượng đài Trần Hưng Đạo sừng sững tại mũi cực Tây. Dưới mặt nước – ngay sát bờ Hải Giang là dải đá thẳng tắp ẩn hiện, đầy bí ẩn vì gốc gác của mình. Nhiều người dân địa phương tương truyền, dải đá ấy là dấu tích sót lại của thành cổ Chămpa, cũng có người bảo, là tuyệt tác mẹ thiên nhiên ban tặng. Chỉ biết là du khách đến với Hải Giang đều tìm mọi cơ hội được ngắm nhìn.
Cũng bằng cung đường biển, cano chỉ cần quãng thời gian ngắn để đến với hàng loạt địa danh được yêu thích khác của thành phố Quy Nhơn: 5 phút từ Hải Giang tới Hòn Khô, 15 phút tới Kỳ Co, 35 phút tới Cù Lao Xanh…
Hành trình này sẽ dành cho những du khách từ khắp thế giới đến và lưu trú tại Hải Giang chỉ sau ít năm nữa, khi “thành phố bán đảo” do Tập đoàn Hưng Thịnh làm chủ đầu tư đi vào hoạt động.
Ông Nguyễn Ngọc Nam, cho biết, nhiều khách du lịch từng tới Nhơn Hải nói với ông, chỉ cần xong khách sạn, có chỗ ngủ – nghỉ – chơi như ý, họ sẽ đến Hải Giang để ngắm núi, chơi biển, tiêu tiền cho kỳ nghỉ.
“Còn tôi thì mong du khách tới đông. Như vậy, tôi càng có thêm nhiều chuyến phục vụ khách bằng cái thuyền này”, chú Sơn, một ngư dân hơn 50 tuổi, hiện thu nhập chính tới từ việc chở khách đi câu mực và tham quan biển nói.
Hải Giang đang “thức giấc” khi hạ tầng giao thông nối bán đảo với trung tâm thành phố được hoàn thiện nhanh chóng. Lần đầu tiên, Quy Nhơn sẽ có hệ thống cáp treo nối từ Mũi Tấn đến bán đảo Phương Mai với chiều dài 2km. Đây là hệ thống cáp treo đầu tiên được đầu tư bài bản, hiện đại tại thành phố. Một cầu nối từ đường trục Khu kinh tế Nhơn Hội đến bán đảo Hải Giang cũng gấp rút hoàn thành, giúp rút ngắn thời gian di chuyển từ thành phố bằng ôtô từ thành phố.
Nhiều tuyến đường đã và đang thành hình như Quốc lộ 19 mới “mở cánh cửa” từ Tây Nguyên cùng vùng ba biên giới với Lào – Campuchia – Đông Bắc Thái Lan xuống cảng biển Quy Nhơn và Khu kinh tế Nhơn Hội. Quốc lộ 19B kết nối 3 trung tâm: Sân bay Phù Cát – Khu kinh tế Nhơn Hội – thành phố Quy Nhơn. Đường phía Tây (ĐT 638) nối thành phố Quy Nhơn đến Khu công nghiệp – đô thị và dịch vụ Becamex VSIP Bình Định…
Chiến lược “trải thảm đỏ” thu hút đầu tư, kêu gọi sự chung tay của các nhà đầu tư lớn đồng loạt triển khai, giúp Bình Định thu hút 93 dự án đầu tư trong nước với tổng vốn đăng ký trên 104.340 tỷ đồng từ đầu 2021 đến nay.
Gần đây nhất, Tập đoàn Hưng Thịnh bắt tay với hàng loạt đối tác lớn trong nước và quốc tế như Tập đoàn tư vấn Boston (Boston Consulting Group – BCG), Vietravel… xây dựng các giải pháp thúc đẩy du lịch Bình Định. Hàng loạt chương trình quảng bá, kết nối Quy Nhơn với các thị trường du lịch quốc tế giàu tiềm năng tại châu Âu, Mỹ, Australia, Nhật Bản, Hàn Quốc, Hong Kong… được thực hiện. Hàng loạt dự án bất động sản quy mô lớn, đồng bộ ở khu vực ven thành phố Quy Nhơn và tỉnh Bình Định, góp phần thay đổi diện mạo địa phương.
“Đặt trong bối cảnh quốc tế hiện nay, du lịch Quy Nhơn nói riêng, du lịch tỉnh Bình Định nói chung có nhiều động lực và cơ hội để vượt lên, trở thành một điểm đến mang tầm quốc tế”, PGS. TS Trần Đình Thiên – Ủy viên Hội đồng Tư vấn Chính sách Tài chính, Tiền tệ Quốc gia đã nhận định tại một sự kiện.
“Trên đà Bình Định phát triển du lịch, bán đảo Hải Giang sẽ tăng trưởng thuộc top đầu với tốc độ thay da đổi thịt như hiện nay”, Phó chủ tịch xã Nguyễn Ngọc Nam đưa ra nhận định một cách tự hào.

Trả lời